Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

HƯỚNG ĐI MỚI CHO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM



BLC) - Khai thác thế mạnh nông nghiệp từ nhiều khía cạnh, chuyển đổi phương thức sản xuất, đầu tư thâm canh nhằm tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường là hướng sản xuất mà nhiều doanh nghiệp, công ty, nông dân trong tỉnh đang hướng tới.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng hơn 3ha gừng của gia đình anh Nguyễn Văn Kháng tại phường Tân Phong (thành phố Lai Châu). Anh Kháng cho biết: Thấy bạn bè trồng gừng để xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Nhật Bản cho thu nhập cao nên tôi đã bàn với gia đình đầu tư trồng gừng. Để đảm bảo kỹ thuật trồng, chăm sóc gừng, tôi đã mời kỹ sư về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác. Giống gừng được gia đình anh Kháng lựa chọn trồng là gừng củ to, ít xơ, ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Đất trồng gừng phải là đất thịt, tơi xốp, hàm lượng mùn cao. Hiện nay gừng của gia đình anh đang ở giai đoạn vào củ. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định chất lượng, năng suất của gừng. Ngoài việc làm cỏ, bón thúc theo đúng kỹ thuật, gừng không được để trồi lên khỏi mặt đất để đảm bảo chất lượng gừng. Dự kiến đến tháng 3/2016, diện tích gừng của gia đình anh Kháng sẽ cho thu hoạch. Nếu thành công, gừng sẽ đạt năng suất 50 tấn/ha, với giá bán từ 50 - 80 nghìn đồng/kg, sẽ cho thu nhập cao từ trồng gừng.
Để gừng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ngoài thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, người trồng gừng còn phải đảm bảo khâu bảo quản sau thu hoạch để tránh gừng mọc mầm. Gừng không chỉ là cây gia vị, nó còn là loại thảo dược, làm mứt. Chính vì thế, nhu cầu về các sản phẩm từ gừng được người dân các nước trên thế giới ưa chuộng. “Trồng gừng xuất khẩu phải đảm bảo các yếu tố về dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất lượng bảo quản gừng. Vì vậy, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu chọn lựa đất, giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... Nếu thành công, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm với bà con có nhu cầu trồng gừng để cùng nhau tạo sản phẩm hàng hóa giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế” - Anh Kháng cho biết thêm.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân, hiện nay nhiều vùng, nhiều hộ dân đã hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như: xây dựng cánh đồng tập trung chuyên canh cây lúa, rau, màu… Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng địa phương mà nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Anh Hà Quang Huy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các cấp, ngành đã tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân mạnh dạn thử nghiệm, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư công nghệ, máy móc để chế biến theo chuỗi khép kín. Tỉnh cũng có nhiều chính sách mở, ưu đãi thu hút đầu tư cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm chất lượng tốt gắn với xử lý môi trường. Nhằm hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 của tỉnh đã gắn việc sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 5,5-6% giai đoạn 2015 – 2020; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2014…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét