Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

CÂY GỪNG- CÂY KINH TẾ MẠNH TẠI VÙNG CAO


NDĐT - Những ngày này, người dân nhiều xã ở huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Kạn) đang vào vụ thu hoạch gừng. Sau gần ba năm đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển trên diện rộng, cây gừng đã từng bước khẳng định được giá trị kinh tế và mang lại cho người nông dân nguồn thu đáng kể.
Nằm trong dự án “Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn” (3PAD) với mục đích cải thiện sinh kế và xóa đói giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo, bắt đầu từ năm 2013, cây gừng được đưa về trồng thử nghiệm trên địa bàn một số xã thuộc huyện Pác Nặm.
270 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án đã được hỗ trợ toàn bộ giống (trong hai năm đầu), được dự những lớp tập huấn kỹ thuật về các bước trong quy trình sản xuất như trồng, chăm sóc, phòng bệnh, thu hoạch và bảo quản gừng. Giống gừng được tiến hành trồng chủ yếu là giống gừng trâu. Đây là loại gừng có khả năng sinh trưởng cao, chu kỳ phát triển và cho thu hoạch trong vòng 5 - 6 tháng, sức đề kháng sâu bệnh tốt, tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Đồng thời, giống gừng trâu có thể trồng trên nhiều địa hình như rẫy, kẽ đá, đất dốc, ngoài vườn, ruộng hoặc xen canh cùng các loại cây trồng khác như chuối, đậu tương, dứa… nên người dân có thể tận dụng nhiều diện tích canh tác để tăng thu nhập. Đối với rừng trồng, khi trồng xen cây gừng trâu sẽ tạo thành một tầng thảm có tác dụng chống xói mòn, bảo vệ đất và giữ độ ẩm cho đất, vừa hạn chế cỏ dại vừa giảm giảm bớt được công chăm sóc rừng trồng hàng năm.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu giúp người dân vươn lên giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo dự án 3PAD chủ động liên hệ giải quyết đầu ra cho sản phẩm gừng. Theo đó, Công ty xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê (TP Bắc Kạn) đã ký hợp đồng đảm nhiệm việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đến hết năm 2017.
Với hiệu quả kinh tế thu được từ trồng gừng, đến nay, diện tích gừng ở Pác Nặm đã tăng mạnh từ 20,7 ha (năm 2013) lên hơn 86,18 ha, tập trung chủ yếu tại một số xã như Xuân La, Cổ Linh, Nhạn Môn, Bộc Bố, Giáo Hiệu, Bằng Thành…
Theo hợp đồng đã ký kết, sau khi được doanh nghiệp vận chuyển về kho, toàn bộ gừng sẽ được phân loại, sơ chế và xử lý kỹ thuật bước đầu trước khi xuất đi các nơi. Với mức gia thu mua bình quân từ 10 - 13 nghìn đồng/kg (tùy thuộc chất lượng gừng), bà con thu hoạch đến đâu sẽ được phía doanh nghiệp thu mua hết tới đó. Sau khi trừ chi phí các loại, với diện tích canh tác từ 500 - 1.000m2, người trồng gừng sẽ có thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng. Ông Bàn Văn Dục ở bản Khai Phỉn, xã Nhạn Môn, một trong số hơn 600 hộ dân đang trồng gừng ở Pác Nặm vui vẻ chia sẻ: “Trồng giống gừng trâu vừa tận dụng được diện tích, xen canh với các loại cây trồng khác, đỡ tốn công chăm sóc vừa có thêm thu nhập từ tiền bán gừng cho Công ty. Năm ngoái, gia đình tôi thu về hơn 40 triệu đồng tiền bán gừng. Năm nay năng suất tăng, dự kiến số tiền thu được sẽ còn nhiều hơn”.
Tìm hiểu được biết, để bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất, hàng năm, trước khi vào vụ trồng gừng, các hộ tham gia dự án 3PAD được chia thành các nhóm hộ, có đại diện đứng ra ký kết hợp đồng với phía doanh nghiệp với sự giám sát của chính quyền địa phương. Vì vậy, nhìn chung việc thu mua sản phẩm đã được Công ty xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng, qua đó giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Nhờ trồng gừng, nhiều hộ ở Pác Nặm đã có thêm nguồn thu nhập ổn định; trong đó, không ít hộ thu về hơn 100 triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch gừng. Ông Giàng Văn Cậu, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Linh cho biết: “Những năm gần đây, cây gừng trâu là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập từ trồng gừng cao gấp 4 - 5 lần trồng ngô. Câu gừng đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, từ đó góp phần nâng cao đời sống bà con nhân dân, thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương”.
Có thể thấy, sau gần ba năm triển khai, dự án 3PAD đưa cây gừng vào sản xuất trên diện rộng đã thu được những kết quả bước đầu tương đối khả quan. So với những loại cây trồng truyền thống khác, hiệu quả kinh tế thu được nhờ canh tác gừng vượt trội hơn hẳn. Thêm một thông tin đáng mừng từ phía Công ty xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê đó là sau khi dự án kết thúc, doanh nghiệp cam kết sẽ vẫn tiếp tục thực hiện việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con địa phương. Đây chính là điều mà người sản xuất gừng ở Pác Nặm luôn mong mỏi bởi thời gian thực hiện dự án 3PAD không còn nhiều.
Không chỉ mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mô hình trồng gừng trâu ở huyện miền núi Pác Nặm còn có ý nghĩa quan trọng trong thay đổi thói quen sản xuất của người dân; tạo cơ hội để bà con tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như hình thành tư duy gắn sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời, mô hình cũng giúp người dân có điều kiện tăng thu nhập, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo.
Về Pác Nặm đúng mùa thu hoạch gừng, chúng ta sẽ được cảm nhận mùi hương đặc trưng của giống gừng trâu trong những mảnh ruộng, trên những vạt đồi, trong những khoảnh sân… Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, tin tưởng cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ ngày một no ấm, phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét