Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Đồng Tháp: Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng Gừng xen canh Hành

Anh Huỳnh Tấn Lực và ông Huỳnh Văn Thao ( Đồng Tháp ) vui mừng trước thành quả lao động của gia đình

Qua học tập nhiều mô hình trồng gừng ở các nơi, anh Huỳnh Tấn Lực (SN 1982) xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nhận thấy tùy theo thổ nhưỡng ở từng nơi, nông dân có nhiều cách làm rất hiệu quả như: Cách trồng gừng trong bao sọt và cách trồng thâm canh trên đất thuộc ruộng nhà..
Ngoài 2 cách làm trên, anh Lực còn nghĩ ra phương pháp trồng gừng xen canh với hành để tạo bóng mát che gốc gừng phòng bệnh cháy lá cho gừng và giúp tăng lợi ích về kinh tế trên cùng một diện tích đất.
Nông dân xã Phú Cường, huyện Tam Nông phần đông sinh sống bằng nghề trồng lúa. Thực hiện chủ trương của UBND xã Phú Cường về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh Huỳnh Tấn Lực là người tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng gừng xen hành. Đầu năm 2011, anh mạnh dạn trồng gừng trên diện tích 15 công đất ruộng.
Theo anh thì khâu chọn gừng để làm giống được coi là khâu rất quan trọng. Gừng có nhiều loại như: gừng nồi Long An, gừng dé (địa phương), gừng tàu… Trước khi chọn giống, anh tìm hiểu kỹ tính năng của từng loại giống, xem có thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương thì mới chọn trồng.
Anh Lực cho rằng, giống gừng nồi Long An, với đặc tính củ to, da bóng láng, không teo, ít bị sâu bệnh phù hợp trồng ở vùng đất nhiễm phèn như ở địa phương. Muốn cho gừng mọc mầm đồng đều cần ủ gừng trước, không dùng dao mà phải dùng tay để tách nhánh, khi tách xong nhúng qua dung dịch diệt khuẩn, ngâm khoảng 15 phút, vớt ra để ráo nước.
Một tuần sau tiến hành ủ, trải một lớp tro trấu dày từ 10 – 20 cm, sau đó xếp gừng thành đống cao 20 – 30 cm, tủ lên một lớp rơm, tưới nước đủ ẩm, không quá khô, không quá ướt. Nếu khô gừng sẽ khó nảy mầm, nếu ướt quá gừng dễ bị thối.
Thời gian ủ khoảng 10 – 15 ngày gừng nảy mầm thì mang ra ruộng trồng. Đất trồng cần làm tơi xốp, cây gừng rất háo nước, nhưng không chịu được úng nên cần lên liếp. Liếp ngang 1,2 m; dài tùy theo khổ đất, cao 20 – 30 cm, mặt liếp làm đất nhỏ san thật bằng phẳng để rễ gừng phát triển. Sau khi làm đất, tiến hành xuống giống gừng, khoảng cách trồng hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 30 cm, trồng xong tủ rơm và tưới nước giữ độ ẩm vừa phải để gừng lên. Hai mươi ngày sau khi xuống giống gừng thì tiến hành trồng hành lá xen trên liếp.
Anh Lực nói: “Phương pháp này ngoài tạo bóng mát cho gốc gừng, ngăn ngừa bệnh cháy lá giai đoạn đầu của gừng còn có tác dụng hút ẩm tốt, ngừa tình trạng tưới dư nước củ gừng dễ bị úng”.
Sau khi trồng hành, phải tưới nước và bón phân đình kỳ. Hành trồng khoảng 45 ngày là có thể thu hoạch, lúc đó thì cây gừng đã được hơn hai tháng tuổi, gừng đã đẻ được 3 – 4 nhánh, khi thu hoạch hành cũng đồng thời vun gốc luôn cho cây gừng. Đây còn là biện pháp lấy ngắn nuôi dài, bán hành lấy tiền chăm sóc lại cho cây gừng.
Theo anh Huỳnh Tấn Lực tính toán: Hiện nay, 1 công gừng của gia đình anh có thể đạt năng suất từ 4,5 đến 5 tấn củ, với giá bán gừng hiện nay từ 20.000 đồng/kg, thì một công đất trồng gừng, sau khi thu hoạch anh có thể thu được 90 triệu đồng, trừ chi phí (giống + phân + nhân công) khoảng 28 triệu đồng, anh còn lời được 62 triệu đồng/công. Với 15 công đất, lợi nhuận của anh sẽ vô cùng lớn, trên 1,4 tỷ đồng, chưa tính lợi nhuận từ trồng hành. So với trồng lúa thì trồng gừng hiệu quả hơn.
Đánh giá về mô hình trồng gừng của anh Lực, anh Ngô Tam Quới – Bí thư Xã Đoàn xã Phú Cường huyện Tam Nông nói: “Chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi của địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều nông dân trong xã đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa hấu, gừng… đặc biệt là phương pháp trồng gừng xen với hành trên đất ruộng của anh Huỳnh Tấn Lực là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng. Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được Xã Đoàn chọn giới thiệu nhân rộng ra địa phương trong thời gian tới”.
Trồng Gừng xen canh cây ăn trái
Những năm gần đây, nông dân 5 xã cù lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng các khoảng đất trống trong vườn cây ăn trái cạnh nhà để lập vườn trồng cây gừng, cho thu nhập cao, cải thiện được cuộc sống kinh tế cho gia đình. Toàn cù lao hiện có hàng chục vườn ươm lớn, nhỏ trồng cây gừng. Trong đó, xã Tân Quới có diện tích đất trồng gừng cao nhất. Với 1.000m2 đất, người trồng có thể thu hoạch trên-dưới 3 tấn củ gừng thương phẩm. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, những hộ trồng gừng ở các xã vùng cồn Tây, huyện Thanh Bình rất phấn khởi vì giá bán tăng cao gần gấp đôi năm rồi.
Theo chị Mỹ Duyên – người có nhiều năm trồng gừng ở xã Tân Quới cho biết: “Từ lúc cắt hom, ủ ẩm và trồng cây gừng xuống đất đến khi xuất bán trên-dưới 9 tháng. Thương lái đến tận nơi mua với giá bán dao động 15.000đ/kg củ gừng thương phẩm, tăng từ 5.000đ – 7.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, gia đình tôi trồng 1.000m2 cây gừng, thu hoạch hơn 3 tấn củ gừng thương phẩm, bán giá 14.000đ/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình tôi còn lãi gần 30 triệu đồng”. Nói về kỹ thuật gieo trồng gừng, ông Trần Văn Hậu có hơn 5 năm trồng cây gừng ở xã Tân Quới bộc bạch: “Đầu tiên dùng dao cắt hom, mỗi hom có từ 3-4 mắt, cắt nhẵn và chấm vào tro bếp ngay để hãm nhựa. Tiếp đó, xếp đều trên những cái bao đã lót sẵn trên giàn rồi giữ ẩm. Sau 3 ngày, dùng rơm-cỏ năn, rác mục sạch phủ kín và tưới nước… Khoảng nửa tháng sau, các hom gừng nhú mắt thì đem trồng trên những luống đất được xới nhuyễn. Trồng hàng cách hàng 30cm, mỗi lổ đặt một hom, cây cách cây 20cm. Trồng xong, dùng cỏ hoặc rơm khô tủ đều lên mặt đất. Một tháng sau, khi cây ra lá, tôi thường bón phân chuồng, phân lân và phân kali đợt 1 để dưỡng cây và xịt thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sâu bệnh. Hai tháng sau nữa, tôi tiếp tục bón thúc đợt 2, với tổng lượng phân chuồng từ 50-100kg, phân lân 8kg và phân kali 10kg… Nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cây gừng sẽ phát triển tươi tốt, ít bị hao hụt và cho năng suất cao, chất lượng tốt”. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên 1.000m2 đất trồng gừng của ông Trần Văn Hậu mỗi năm cho nguồn lợi nhuận bình quân từ 25 – 30 triệu đồng! Trung bình, 1.000m2 đất trồng gừng sẽ cho lợi nhuận mỗi năm vài ba chục triệu đồng sau khi đã trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc! Ông Hậu nói: “Năm nay, củ gừng tiêu thụ mạnh, giá tăng gần gấp đôi so với mọi năm nên những hộ trồng gừng ở đây thu lợi nhuận rất đáng kể…”
Theo Báo Đồng Tháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét