Mô hình kinh tế của ông Trần Chí Hùng đem lại hiệu quả cao. |
Trùn quế (TQ) là nguồn thức ăn giàu đạm, thích hợp cho việc chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Trồng gừng (TG) kết hợp bón phân trùn đã góp phần tăng năng suất rõ rệt. Trong điều kiện đất đai chật hẹp, địa hình phức tạp, ông Trần Chí Hùng – nông dân ở Tổ dân phố Sơn Long (Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa) đã biết kết hợp tổng hòa các đối tượng để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Gia đình ông Trần Chí Hùng nằm trên đồi núi dốc tại Tổ dân phố Sơn Long. Trong điều kiện địa hình đồi núi, ông đã cố gắng tìm mô hình thích hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Nghĩ mãi, cuối cùng, ông cũng tìm ra hướng đi. Đó là mô hình nuôi Trùn Quế kết hợp với gà thả vườn (GTV) và Trồng Gừng trong bao”.
Điều kiện đầu tiên để ông Hùng quyết định nuôi Trùn Quế là gia đình đang nuôi một đàn dê. Từ nguồn phân dê, ông Hùng sử dụng để nuôi trùn. Chính vì vậy, ông không phải mất tiền mua thêm phân nuôi trùn. Đàn gà của ông Hùng có khoảng 100 con, toàn là giống gà ta, được nuôi xoay vòng liên tục. Gà đẻ trứng, cho ấp nở, rồi bổ sung vào tổng đàn khi gà thịt đã bán đi. Do đó, đàn gà của ông luôn được duy trì. Ông Hùng có 10 ô nuôi trùn, mỗi ô 1m2. Sau 60 ngày nuôi, trùn giống bắt đầu sinh sản và cho 3 – 4kg trùn sinh khối. Sau khi lượng trùn phát triển ổn định, ông tiến hành nuôi gà con và triển khai các công đoạn nuôi trùn, vỗ béo gà theo hướng dẫn. Trùn phát triển tạo sinh khối và cho ra một lượng phân ổn định, ông bắt đầu trộn phân trùn với đất cát theo tỷ lệ: 70% đất cát, 20% phân rác hữu cơ và 10% phân Trùn Quế để làm đất Trồng Gừng.
Theo ông Hùng, mô hình nuôi Trùn quế, kết hợp nuôi Gà thả vườn và Trồng Gừng lâu nay vẫn được nông dân áp dụng nhưng thường chỉ tiến hành riêng lẻ, do đó chưa phát huy hiệu quả tối đa. Nếu nuôi gà bình thường theo truyền thống thì thời gian từ thả nuôi cho đến xuất bán mất ít nhất 5 tháng; thế nhưng nuôi với thức ăn là Trùn quế, gà lớn nhanh (do lượng đạm dồi dào), giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi chỉ còn 4 tháng. Bên cạnh đó, nguồn phân trùn thải ra là loại phân bón rất tốt, dễ tiêu, làm tăng năng suất, sản lượng cho các loại cây trồng. Bình thường, năng suất gừng trồng trong bao xi măng đạt 1 – 1,5 kg/bao nhưng có bổ sung phân Trùn quế, năng suất có thể lên tới 2 – 2,5 kg/bao (sau 7 tháng).
Ông Hùng tính toán: Mô hình kết hợp nuôi Trùn quế, Gà thả vườn và Trồng Gừng trong bao đơn giản, dễ thực hiện, lại đem lại hiệu quả kinh tế khá. Mỗi lao động có thể nuôi 20 ô trùn (ô 1m2), sau 4 tháng thu mỗi ô 3kg (giá 100.000 đồng/kg trùn), tổng cộng có 60kg, tương đương 6 triệu đồng. Một con gà sử dụng phân trùn bổ sung đạm (2 tháng) cần 85g/con. Một lao động nuôi được 500 con gà, tức là sử dụng 42,5kg/2 tháng. Như vậy, sau khi cung cấp đủ thức ăn cho gà, người lao động còn có thu nhập thêm 17,5kg phân trùn trong 4 tháng, giá trị này tính ra gần 500.000 đồng/tháng. Khi bổ sung đạm bằng sinh khối Trùn quế, chi phí bình quân 500 đồng/ngày/con, tương đương 15.000 đồng/tháng/con. Một lao động nuôi 500 con gà, tiết kiệm được gần 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bón phân trùn cho gừng có thể tăng năng suất 1kg/bao. Một lao động trồng 500 bao gừng/7 tháng, tính ra thu nhập một tháng xấp xỉ 2 triệu đồng (giá gừng 25.000 đồng/kg). Như vậy, kết hợp cả 3 đối tượng theo cách này, mỗi lao động có thu nhập ít nhất 4 triệu đồng/tháng.
Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mô hình này còn mang lại lợi ích về môi trường. Hàng ngày, lượng phân thải ra từ chăn nuôi kết hợp rác thải sinh hoạt rất lớn. Nếu áp dụng rộng rãi mô hình này tại các địa phương, nhất là các vùng nông thôn thì nông dân có cơ hội giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; đồng thời còn tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Mặt khác, tận dụng nguồn phân, rác thải trong chăn nuôi, sinh hoạt sẽ giúp giảm thiểu tác hại cho môi trường.
Hiện nay, mô hình của ông Hùng đã được ứng dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với hiệu quả kinh tế và môi trường, đề tài của ông Hùng đã được Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Khánh Hòa lần thứ IV (2010 – 2011) trao giải khuyến khích. Đây là khích lệ lớn để nông dân tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều mô hình hiệu quả hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét