Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Gừng Trung Quốc nhiễm độc tràn lan tại thị trường Việt Nam

Gừng Trung Quốc (bên trái) có kích cỡ to, thân tròn, ít nhánh con, thân mọng nước hơn gừng ta (phải) rất nhiều

Hiện nay, gừng in nhãn mác Trung Quốc đã có mặt hết các chợ lớn và nhỏ ở Hà Nội với nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu (aldicarb) cực độc mà người dân không hay biết. Người tiêu dùng cũng không dễ phân biệt được đâu là gừng Trung Quốc, đâu là gừng ta (!?).
Các chợ Nghĩa Tân, Bưởi, Dịch Vọng… đâu đâu cũng thấy các sạp bày gừng của Trung Quốc. Những đống gừng bày la liệt khắp các cửa hàng rau, vàng óng, củ to rất bắt mắt người mua. “Tôi đi chợ, thường thấy các củ to, đẹp, sạch thì tôi mua chứ biết đâu là gừng Trung Quốc, đâu là gừng ta đâu mà phân biệt” – chị Nhung, một khách hàng tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) – cho biết.
Điều đáng lo là gừng Trung Quốc chứa chất độc hại rất cao vì các thùng hàng đựng gừng chủ yếu xuất xứ từ tỉnh Sơn Đông – nơi phát hiện gừng sử dụng thuốc trừ sâu (aldicarb) vượt mức cho phép 3-6 lần. Mỗi ngày, tại chợ đầu mối Long Biên có hàng chục tấn gừng từ Trung Quốc đổ về đây rồi các tiểu thương đến lấy đi các chợ tiêu thụ. Hiện giá gừng Trung Quốc khoảng 20.000 đồng/kg, đắt hơn gừng VN, nhưng người dân vẫn thích mua.
Để nhận biết gừng ta và gừng Trung Quốc, chị Vân – một tiểu thương tại chợ Long Biên – ”bật mí”: “Gừng ta da sần sùi chia làm nhiều nhánh nhỏ, dính đất, có nhiều đường vân, củ nhỏ. Gừng Trung Quốc củ to, trơn láng, sạch sẽ, mẫu mã đẹp, ít đường vân hơn”. Gừng Trung Quốc mọng nước, vàng, không có vị thơm, ít xơ. Gừng ta thơm đậm, cay nồng, nhiều xơ”.
Việc sử dụng hàng Trung Quốc hiện nay cần hết sức chú ý đến việc bên trong chứa nhiều chất độc vô hình, nguy cơ ngây hại cho sức khoẻ. Không chỉ với gừng mà còn nhiều nông sản khác.
Theo Lao Động

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

GIÀU TỪ TRỒNG GỪNG

Gừng là một gia vị không thể thiếu trong những ngày Tết và được xem như một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Chính vì vậy những năm gần đây nhu cầu sử dụng gừng ở TPHCM ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ mạnh, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Ông Trần Văn Đi (ở ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM) là một trong những người tiên phong, khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đi cho biết: Một hôm ông xem truyền hình thấy giới thiệu về mô hình trồng gừng rất hiệu quả. Đêm nằm ngủ cứ trằn trọc mãi. Sáng hôm sau, ông lặn lội xuống tận tỉnh Tiền Giang, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.
Lúc đầu ông trồng thử 100m2, sau 8 tháng ông đã thu hoạch được lứa đầu, bán với giá 12.000đ/kg. Ông nhẩm tính nếu giá gừng tươi cứ đứng vững như vậy thì trồng gừng so với trồng lúa lời gấp 3 – 4 lần, không phải chân lấm tay bùn. Vụ sau ông trồng tăng diện tích lên 1.000m2; một năm sau ông trồng diện tích lên 3.000m2.
Ông Đi cho hay: Khâu chọn gừng để làm giống rất quan trọng, chọn giống gừng tàu lá già, củ to, da bóng láng, không teo, không bị sâu bệnh. Nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 – 6 dương lịch), nhằm đỡ công tưới nước, gừng phát triển tốt.
Muốn cho gừng mọc mầm đồng đều cần ủ gừng trước, không nên dùng dao, mà phải dùng tay để tách nhánh, khi tách xong nhúng qua dung dịch Topsin hay Dithane với liều lượng 200g pha loãng với 50 lít nước, ngâm khoảng 15 phút, vớt ra để ráo nước. Một tuần sau tiến hành ủ, trải một lớp tro trấu dày từ 10 – 20cm, sau đó xếp gừng thành đống cao 20 – 30cm, phủ một lớp rơm kín lên trên, tưới nước đủ ẩm, không quá khô, không quá ướt. Nếu khô gừng sẽ khó nảy mầm, nếu ướt quá gừng dễ bị thối. Thời gian ủ khoảng 10 – 15 ngày gừng nảy mầm hết mang ra ruộng trồng.
Đất trồng cần làm tơi xốp, cây gừng rất háo nước, nhưng không chịu được úng cần lên liếp, nếu ruộng cao không bị úng vào mùa mưa thì không cần lên liếp. Lên liếp ngang 1,2m; dài tuỳ theo khổ đất, cao 20 - 30cm, mặt liếp làm đất nhỏ san thật bằng phẳng để rễ gừng phát triển tốt. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng hoai mục và phân lân. Nếu không có phân chuồng thì bón phân hữu cơ khác để thay thế. Khoảng cách trồng hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 30cm. Sau này vun gốc sẽ lấy đất ở giữa vun sang hai bên giống vun gốc khoai lang.
Cùng với cách chăm sóc như vậy, anh Trần Văn Khả người cùng ấp nhờ trồng gừng mấy năm vừa rồi trúng mùa, được giá, anh đã xây được nhà khang trang. Bà Trần Thị Mới, ở ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, tươi cười kể: Trồng gừng cũng dễ trồng, so với trồng lúa khoẻ re, không phải chân lấm tay bùn, giá cả lại cao, cứ gần Tết mối tới tận nhà cân, mình không phải đi chợ… Nhờ trồng gừng nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cách đặt hom: Bới hốc sâu 10cm rồi rắc basudin, liều lượng 2kg cho 1.000m2 để kiến khỏi ăn. Bằm đất thật nhuyễn, đặt hom giống xuống, phủ 4 – 5 cm phân hữu cơ, dùng thùng tưới có vòi hoa sen tưới đẫm, sau phủ một lớp rơm dày để giữ ẩm.
Chăm sóc: Trồng xong ngày tưới 1 – 2 lần, trời mưa không cần tưới. Lưu ý không để gừng bị khô quá nếu bị khô gừng kém phát triển và kéo dài thời gian sinh trưởng.
Bón phân: Lượng phân cần cho 1.000m2 50kg ure, 100kg lân (bón hết khi bón lót); 10kg phân kali (bón lót 5 kg). Sau khi trồng được 1,5 tháng pha 2 muỗng phân ure pha bình 20lít để tưới 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 – 5 ngày.
Khi bụi gừng đẻ 2 – 3 cây con tiến hành bón thúc 7 ngày một lần liều lượng 5 kg ure, rải xung quanh gốc cách 10cm. Mỗi tháng xới đất làm cỏ 1 lần.
Gừng là loại cây củ phát triển lên trên mặt đất. Khi cây gừng đẻ 4 – 5 nhánh con tiến hành vun gốc, thời gian này cần bón thêm phân hữu cơ, có thể trộn 50% phân hữu cơ và 50% đất vun vào gốc cây.
Lượng phân kali còn lại bón vào tháng 10 âm lịch để cho củ to và chắc. (Cần chú ý kiểm tra cây gừng khi nào thấy củ trồi lên lại tiến hành vun gốc).
Ông Đi bộc bạch: Nếu chăm sóc tốt 1 sào đạt năng suất từ 4 – 5 tấn củ, với giá bán gừng hiện nay từ 17.000 – 18.000đ/kg, thì một sào ông đi thu được 68 triệu, trừ chi phí giống + phân = 18 triệu, còn lời được 50 triệu.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Nông dân trồng gừng Tết có vụ mùa bội thu


Hàng năm, nhiều nông dân ven kinh Chợ Gạo (Tiền Giang) đều trồng một vụ gừng để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên Đán. Năm nay, nông dân trồng gừng ở địa phương này vô cùng phấn khởi do giá gừng đang nằm ở mức cao, trong khi gừng đang phát triển khá tốt, hứa hẹn một vụ gừng Tết bội thu.
Ông Nguyễn Minh Công, nông dân trồng gừng ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) - địa phương có diện tích gừng lớn nhất trong khu vực này với gần 45 ha cho biết, hiện nay thương lái vào tận ruộng thu mua củ gừng để cung cấp cho thị trường Tết đang đến gần với giá 19.000-22.000 đồng/kg, cao hơn so với 12.000-15.000 đồng/kg của cùng kỳ năm qua. Mặt khác, dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, chăm sóc kỹ nên gừng phát triển khá tốt, tỷ lệ bị thối củ thấp.
“Tôi vừa thu hoạch 1,3 công (1.000m2) gừng được hơn 2,5 tấn với giá bán 20.000-22.000 đồng/kg (tùy loại to hay nhỏ) thu được gần 50 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 17 triệu đồng, lợi nhuận thu được từ ruộng gừng của tôi là hơn 30 triệu đồng”, ông Công cho biết.
Theo chiết tính của nhiều nông dân trồng gừng ở huyện Chợ Gạo, mỗi công gừng tốn khoảng 12 triệu đồng chi phí sản xuất gồm củ gừng giống, phân thuốc, công chăm sóc, thu hoạch…, trong khi đó năng suất gừng bình quân ở địa phương này là gần 2 tấn/công và với giá bán gừng từ 19.000-22.000 đồng/kg như hiện nay thì người trồng gừng có doanh thu khoảng 40 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lời gần 28 triệu đồng/công.
Ông Trần Văn Thanh, nông dân trồng gừng ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cho biết, năm nay tỷ lệ gừng bị thối nhũng củ thấp hơn mọi năm do người dân áp dụng kỹ thuật mới vào nhưng bệnh thối nhũng củ vẫn là nỗi lo lắng của người trồng gừng. Nguyên nhân là do hiện nay bệnh này chưa có thuốc đặc trị, chỉ cần một bụi gừng bị bệnh thì vài ngày sau cả đám gừng bị lây nhiễm, không cứu chữa được. Những nông dân có diện tích cây gừng bị bệnh buộc phải thu hoạch non, bán đổ bán tháo với giá rẻ, trong khi đó nếu thu hoạch gừng vào tháng chạp thì giá gừng sẽ rất cao vì nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh.
Theo kinh nghiệm của ông Thanh, trước khi trồng vụ mới thì gừng giống phải để nơi thoáng mát khoảng 1 tuần rồi tiến hành bẻ hom bằng tay để tránh tình trạng mầm bệnh từ củ này lây lan củ kia. Cần chọn hom giống to, nguyên vẹn, mỗi mắt có ít nhất một mắt mầm ngâm vào dung dịch thuốc trừ nấm khoảng 20 phút để vớt ra để ráo khoảng 1 tuần mới tiến hành ủ giống. Gừng giống được ủ bằng cách gom lại từng đống cao không quá 80 cm, phủ một lớp rơm ủ cho đủ ẩm khoảng nửa tháng thì gừng u mầm, khi đó bắt đầu đem gừng giống đi trồng.
Gừng thích hợp với nền đất xốp, có ẩm độc vừa phải và thoát nước tốt. Thông thường đất phải được cày sâu khoảng 25-30 cm, phơi xới đất cho nhuyễn rồi lên luống. Do gừng nảy chồi ngang nên đặt củ xuôi theo hàng trồng để chồi phát triển thuận chiều. Trong quá trình chăm sóc gừng thiếu nước sẽ chậm lớn nhưng nếu gừng bị ngập nước vào mùa mưa sẽ làm gừng bị thối củ. Gừng là loại cây ưa sáng nên nếu trồng rừng dưới bóng râm sẽ làm giảm năng suất gừng rõ rệt. Phân hữu cơ rất cần thiết cho gừng và là yếu tố quyết định lớn đến năng suất gừng.
Theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chợ Gạo, để gừng đạt năng suất cao, nông dân cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, nông dân phải cải tạo lại đất, xử lý đất trồng gừng bằng vôi để diệt khuẩn trước khi gieo giống, chọn giống tốt không mang mầm bệnh. Mỗi năm, nông dân chỉ trồng một vụ gừng sao cho gừng thu hoạch vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 1-2 tháng. Có thể thu hoạch gừng từ 4 tháng trồng trở đi nhưng nếu làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Không nên để già quá, gừng cay nhiều, có xơ; cũng không thu non quá, củ bị nhăn nhúm, giảm chất lượng.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Gạo, tình hình sản xuất và giá cả thời gian qua có thể nói người dân trồng gừng Tết năm nay trúng mùa, được giá. Năm nay, toàn huyện có gần 200 ha gừng Tết, được trồng ở các xã Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và Tân Thuận Bình. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến mứt gừng, kẹo gừng… cung cấp cho thị trường Tết.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Trồng gừng núi đá từ nguồn giống nuôi cấy mô

So sánh gừng đá nhân giống bằng củ và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Gừng đá là loại cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao, tuy vậy diện tích còn rất manh mún, sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Kết quả từ đề tài “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng gừng đá Bắc Kạn” do Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện đang mở ra nhiều triển vọng, vừa bảo tồn giống gừng quý, vừa giúp người dân tăng thu nhập.
Gừng đá vốn là loài cây mọc hoang dại tại các vùng núi cao. Củ gừng đá có hương vị đặc biệt, mùi thơm rất đặc trưng không lẫn với những loại gừng khác. Củ gừng đá thường được người dân giã, vắt lấy nước làm phụ gia bảo quản để thực phẩm được tươi lâu. Đặc biệt các món ăn truyền thống của người miền núi như lạp xường, thịt nướng sẽ rất thơm ngon nếu có gia vị là gừng đá. Bên cạnh đó, Gừng đá còn được làm thành tinh bột dùng trong chế biến và là loại dược liệu quý có tính kháng sinh cao, dùng chữa các bệnh viêm nhiễm, xương khớp, đau bụng, bệnh tim mạch… Do những đặc tính nói trên, cây gừng trong tự nhiên bị khai thác ồ ạt đến cạn kiệt. Để tìm được gừng đá, người ta phải bỏ nhiều công sức đi tìm và khai thác, nhưng cũng không tìm được số lượng lớn. Để chủ động có nguồn củ phục vụ đời sống, lâu nay đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... tại các huyện Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn đã đưa cây gừng đá về trồng tại các hốc đá, quanh vườn nhà với số lượng nhỏ- chỉ đủ để phục vụ nhu cầu của gia đình...

Theo đồng chí Bàn Văn Bảo- Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Thủy (Na Rì) thì gừng đá trong thiên nhiên ngày một khan hiếm. Có khi người dân đi cả buổi cũng chỉ tìm được 1 - 2 gốc, thu được chừng 2 lạng củ, thậm chí còn phải về tay không. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, do khan hiếm nên giá gừng đá khá đắt, giao động từ 700.000 - 1 triệu đồng/kg. Trong khi đó, giá gừng thông thường chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Trên địa bàn xã có một số hộ trồng gừng đá, nhưng diện tích trồng cũng chỉ vài chục mét vuông. Mặt khác, do đặc tính sinh học, loài gừng đá ưa đất trên núi cao, trong các hốc đá. Ng dân đưa về trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên cây phát triển kém, nguồn củ giống khan hiếm. Nếu tỉnh sản xuất được cây giống số lượng lớn, phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác khoa học sẽ giúp người dân mở rộng diện tích, gừng đá sẽ thực sự trở thành hàng hóa giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.


Trước yêu cầu của thực tiễn sản xuất, giá trị về khoa học, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng Gừng đá Bắc Kạn”. Mục tiêu của nhiệm vụ này là phát triển cây gừng đá theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm lớn đúng với giá trị của nó nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Bắt đầu triển khai từ năm 2012, đến hết năm 2014, đơn vị chủ trì đã nghiên cứu và nhân giống gừng đá thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô. Qua nghiên cứu thử nghiệm, Viện Di truyền Nông nghiệp đã đưa ra được quy trình nhân giống, trồng gừng đá bằng giống nuôi cấy mô và quy trình trồng gừng đá bằng củ giống thông thường. Các nhà khoa học đã sản xuất được 22.000 cây con gừng đá nuôi cấy mô. Cây con giống gừng đá nuôi cấy mô đạt tiêu chuẩn cây giống, không nhiễm sâu bệnh. Sản phẩm củ giống không bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nảy mầm cao.
Gừng đá trồng từ cây giống nuôi cấy mô cho năng suất cao hơn phương pháp trồng bằng củ thông thường.
Đề tài đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng gừng đá từ cây nuôi cấy mô và trồng từ củ giống thông thường theo hướng thâm canh tăng năng suất cho 200 người dân địa phương. Đồng thời xây dựng được 02ha trồng gừng đá tại các xã Liêm Thủy (Na Rì). Hiện các mô hình trồng gừng đá cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Thực tế sản xuất cho thấy, năng suất của mô hình trồng gừng đá Bắc Kạn từ cây nuôi cấy mô cho năng suất trung bình 56,25 tạ/ha. Nếu tính giá gừng chỉ 200.000 đồng/kg, gừng đá trồng từ củ giống thông thường cho thu lãi 744,9 triệu đồng/ha/2 năm; gừng trồng từ giống nuôi cấy mô cho lãi 817,2 triệu đồng/ha/2 năm. Do vậy việc mở rộng quy mô trồng gừng đá là rất có triển vọng.

Toàn bộ kết quả nghiên cứu nói trên đã được chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở KHCN Bắc Kạn tiếp nhận, quản lý và đưa vào ứng dụng. Sau khi trồng thí điểm thành công tại xã Liêm Thủy, cây gừng đá có thể trở thành một giống cây trồng mũi nhọn mới cho người dân các địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Qua đó giúp đồng bào đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hiệu quả./.
 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Trồng gừng trong bao thu gấp 6 lần


Chúng tôi rất ấn tượng khi tham quan những bao gừng đặt ngay hàng thẳng lối dưới tán rừng cây keo lai xanh tốt của ông Văn Ngọc, ở thôn 4, xã Hòa Khương, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Ông Ngọc cho hay, đầu năm 2011, ông Ngọc vào Gia Lai mua 2 tạ gừng giống (giá 20.000 đồng/kg) về trồng trong 1.350 bao. Để năng suất gừng cao, ít sâu bệnh, ông chọn giống gừng trên 10 tháng tuổi, sạch bệnh. Mỗi 1kg gừng giống, ông trồng trong 15 - 20 bao xi măng giặt sạch, đáy bao đục 2 lỗ ở 2 góc cho thoát nước.
Gừng là loại cây ưa đất ẩm, không chịu úng, ưa tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng. Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ 50% đất với 50% phân chuồng hoai mục + vỏ trấu, cho vào bao xong đặt hom gừng (đã ủ nứt mầm) vào giữa bọc phủ lớp đất nhẹ chừng 2cm, trải lên mặt lớp tro trấu cũ hoai để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.
Trồng khoảng 40 ngày, mỗi bao gừng bón 1 muỗng NPK quanh gốc và rải lên trên gốc hỗn hợp gồm 3 phần trấu + 1 phần phân chuồng hoai mục + 1 phần đất. Thường mỗi củ gừng giống chỉ nảy từ 3-4 nhánh con, nhưng trồng trong bao, gừng nảy rất nhiều nhánh. Mỗi nhánh 1 củ, sau 7- 8 tháng có thể thu hoạch từ 1,5 - 2kg củ/bao. Chi phí đầu tư cho 1 bao gừng khoảng 3.000 đồng. Tính ra hiệu quả trồng gừng trong bao gấp 6 lần so với cách trồng dưới đất.
Theo ông Ngọc, gừng trồng trong bao ít bị bệnh. Tuy nhiên, để phòng bệnh héo vàng thối rũ do vi khuẩn truyền nhiễm rất khó trị, chủ yếu là phun ngừa sau mỗi đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc định kỳ 10 - 15 ngày phun 1 lần, các loại thuốc trị nấm gốc đồng COPPER ZINC, CARBAN 50SC...
Trước khi trồng gừng nên xử lý "hom gừng" bằng cách phun thuốc trừ nấm bệnh CARBAN 50 SC, COPPER ZINC 85WP...Nếu bao nào bị sâu bệnh thì mang ra xa hủy bỏ, không để mầm bệnh lây lan. Trồng gừng theo cách này khắc phục được những bất lợi về thời tiết, đất đai, không gian, sâu bệnh…
Ở miền núi cho tới đồng bằng đều trồng được. Nơi thấp lụt thì đặt bao gừng trên giàn. Tính sơ, 1.000 bao gừng, với giá vào dịp Tết này là 40.000 đồng/kg gừng củ, ông Ngọc sẽ thu về trên 40 triệu đồng, trong khi chi phí không bao nhiêu.

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

TRUNG QUỐC: Bảo quản gừng bằng chất cực độc



Sau những vụ bê bối về thực phẩm mới đây, người tiêu dùng Trung Quốc lại choáng váng với thông tin “gừng được trồng và bảo quản bằng thuốc trừ sâu có độc tính cao Aldicarb”, được gọi là “Thần nông đơn”, theo điều tra của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Aldicarb là một trong những loại thuốc trừ sâu cực độc chỉ được sử dụng cho năm loại cây ở Trung Quốc là cây bông vải, thuốc lá, hoa hồng, đậu phộng và khoai tây với điều kiện phải được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp. Chất độc Aldicarb có thể gây tổn thương hệ hô hấp, gây mờ mắt, đau đầu, nôn mửa và run rẩy ở người. Chỉ cần 50mg Aldicarb có thể giết một người có cân nặng 50kg.
120-300kg thuốc trừ sâu/ha!
Củ gừng từ lâu thường được sử dụng chế biến thức ăn hằng ngày cũng như trong ngành thuốc đông y cổ truyền. Điều tra của CCTV cho biết các hộ trồng gừng ở Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) đã dùng 120-300kg thuốc trừ sâu Aldicarb, nghĩa là vượt mức cho phép từ 3-6 lần, cho 1ha trồng gừng nhằm chống sâu rầy và bảo quản củ gừng lâu hư. Hình ảnh truyền hình ghi nhận nhiều cánh đồng ở Duy Phường đang vào mùa thu hoạch gừng. Hàng tấn củ gừng đã được nhổ lên, củ căng tròn và bóng mượt đang chờ được đóng gói để tung ra khắp thị trường Trung Quốc, và theo đường tiểu ngạch xuất khẩu sang các nước láng giềng. Song, mấy ai biết được những củ gừng căng bóng ấy đã ngậm một lượng lớn thuốc trừ sâu Aldicarb.
Càng đáng sợ hơn, người nông dân ở đây dù đều biết rõ độc tính giết người của thuốc Aldicarb nhưng vẫn thản nhiên trả lời rằng họ đã sử dụng nó hơn 20 năm nay. “Ai mà không sử dụng thuốc này để giết sâu bọ? Ai có thể đảm bảo mùa thu hoạch tốt mà không cần nó, nếu không sử dụng thì sản lượng đầu ra của chúng tôi chỉ được phân nửa hiện nay. Chúng tôi tất nhiên không dùng loại thuốc này cho loại gừng mà gia đình chúng tôi ăn” - CCTV dẫn lời một nông dân nói.
Tin tức này đang lan rộng trên Internet khiến người dân Trung Quốc ở khắp nơi đặt nghi vấn không chỉ ở Duy Phường mà những nơi khác cũng có thể đang xảy ra tình trạng tương tự. Cũng có lo ngại ngoài gừng, Aldicarb còn được sử dụng trong các loại cây trồng khác. “Giờ đây biết củ gừng nào là an toàn và thuốc độc có thể ngấm vào đất cũng như gây ô nhiễm mạch nước ngầm” - một cư dân mạng tên Lâm Phương viết trên Weibo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-5, ông Chu Vũ Thần, một người làm trong ngành truyền thông Trung Quốc, cho biết nghe tin mà giật cả mình khi hai ngày nay thông tin về thịt chuột giả thịt cừu đang tràn vào thị trường Thượng Hải, giờ lại đến tin gừng ngậm chất cực độc. Rồi ông nói mà nghe như một lời tổng kết: “Hơn 30 năm đổi mới, một bộ phận người Trung Quốc đã đánh mất sự lương thiện và lương tri, giờ thì chuyện gì họ cũng có thể làm”.
Tân Hoa xã cho biết cách đây hai năm, 13 người ở An Huy đã bị trúng độc Aldicarb sau khi ăn dưa leo được bảo quản bằng loại thuốc này. Chẳng những thế, nông dân ở thành phố Thanh Châu, tiếp giáp với Duy Phường, còn sử dụng loại thuốc trừ sâu dichlorvos (DDVP) bảo quản bắp cải và gừng. Loại hóa chất cực độc này một khi ngấm vào rau cải và trái cây thì khó rửa sạch và nó có thể gây tổn hại, dẫn đến ung thư.
Hãy tự cứu mình!
Trước sự hoang mang của dư luận, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bảo vệ mùa vụ Trung Quốc Tôn Thúc Bảo khẳng định ông không nghĩ tình hình sẽ tồi tệ hơn. “Thuốc trừ sâu có tác dụng kéo dài hơn một vụ mùa đã bị cấm. Tác dụng của thuốc Aldicarb lên đất và nước ngầm sẽ không lớn, nó sẽ bị các vi sinh vật xử lý” - cổng thông tin chính phủ dẫn lời ông Tôn chống chế. Song, ông Tôn cũng thừa nhận thuốc Aldicarb đã được nông dân ở Duy Phường sử dụng từ rất lâu dù thuốc này đã bị cấm sử dụng cho các loại nông sản như gừng, nghệ từ năm 2006.
Ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc, chuyện lạm dụng thuốc trừ sâu để bảo quản nông sản là chuyện thường thấy, bởi Trung Quốc không có những quy định cũng như những biện pháp trừng phạt cụ thể về việc lạm dụng gây ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đối với các vi phạm, chính quyền các địa phương từ lâu chỉ tịch thu nông dược độc và tiêu hủy những cây trồng sử dụng các loại nông dược như Aldicarb.
Lần này, chính quyền Duy Phường được lệnh phải mạnh tay hơn: đóng cửa những cửa hàng bán loại thuốc trừ sâu cực độc này và bắt giữ các chủ cửa hàng vi phạm. “Chẳng biết hiệu quả của việc trừng phạt này đến đâu” - báo Tin Tức Bắc Kinh dẫn lời một người dân cho biết. Còn lúc này, để tự cứu mình, như khuyến cáo của ông Đổng Kim Sư - tổng thư ký Hiệp hội Bao bì thực phẩm quốc tế, người tiêu dùng Trung Quốc nên ngâm gừng trong dung môi đặc biệt khoảng 30 phút để giảm độc tố.

Trồng gừng trong bao nilon hiệu quả kinh tế cao

Những người có kinh nghiệm nhiều năm trồng gừng ở Chợ Mới cho biết, gừng cho hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng để bỏ lúa chuyển sang trồng gừng thì đúng là quá… mạo hiểm. Bởi, một, hai vụ đầu rất bấp bênh do chưa hiểu được đặc tính của nó, chưa có kinh nghiệm, từ lẽ đó nhiều người dù thấy lợi vậy chứ không dám trồng, nhưng ai đã trồng thì sẽ mê. Có người đã phất lên làm giàu từ gừng, chuyên sống bằng nghề trồng và mua bán gừng. Năm nay, huyện Chợ Mới có khoảng 40 ha đất trồng gừng, tập trung ở các xã: Mỹ An, Kiến Thành, Tấn Mỹ, Hội An, Mỹ Hội Ðông… năng suất trung bình 40 tấn/ha.
Ông Ngô Văn Sở, Chủ tịch Hội Nông dân Chợ Mới cho biết, nhận thấy được giá trị kinh tế của nó, nhưng phong trào trồng gừng vẫn chưa thật sự phổ biến như các loại hoa màu khác, chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và triển khai phương pháp trồng gừng trong bọc ny-lon từ tháng 3-2004, được nhiều nông dân hưởng ứng và đã có một vụ gừng bội thu, nên hiện nay nông dân không còn thấp thỏm lo sợ… lỗ vốn khi đầu tư trồng gừng. Bởi, với phương pháp mới này vừa tiết kiệm chi phí, công lao động chăm sóc, dễ phát hiện sâu bệnh và xử lý nhanh các biện pháp phòng trừ. Có người chưa từng làm ruộng rẫy gì cả, qua tìm hiểu và thấy nhiều người làm hiệu quả cũng mê và quyết định thử một phen, không ngờ kết quả đạt được ngoài mong đợi…
Ðó là trường hợp của chị Võ Thị Thúy Phượng, năm nay 34 tuổi, mười mấy năm làm nghề uốn tóc rất có tiếng ở ấp Long Quới, xã Long Ðiền B, vậy mà bỗng xoay sang trồng gừng. Tận dụng khu đất trống quanh nhà, chị Phượng mua 120kg gừng giống về trồng được 1.500 bọc. Hiện nay, gừng của chị đã 6 tháng tuổi, rất xanh tốt, ai nấy đi ngang đều tấm tắc khen chị “khéo tay”. Chị Phượng cho biết, giai đoạn này gừng đang phát triển rất mạnh, củ nở to và rất nhanh. Mới hôm qua thấy nó nở lồi củ lên, mang đất vô cho nó, vậy mà hôm sau lại thấy củ lồi ra to hơn, biết làm sao đành phải dẹp ngang chuyện uốn tóc mà đi chăm sóc “đám con cưng”. Gừng của chị hiện nay đạt khoảng 1,5kg/bọc. Chị phượng cho biết thêm, chờ qua con nước tháng 7 thì để luôn bán gừng giống, chắc chắn năng suất còn cao hơn rất nhiều.

Còn ông Võ Văn Lon, người chuyên sống bằng nghề trồng và mua bán gừng, với hơn 25 năm kinh nghiệm trồng gừng, ông hiểu rõ từng đặc tính của nó, nên năm nào cũng trúng mùa. Năm nay, ông Lon trồng 7 công gừng và cho biết, trồng gừng trong bọc ny-lon cho hiệu quả rất khả quan và không mạo hiểm như trồng trên mặt ruộng. Ông hy vọng với phương pháp mới này nghề trồng gừng sẽ thật sự được quan tâm và sẽ trở thành cây màu thế mạnh của địa phương. Hiện nay, giá gừng non khoảng 15.000đồng/kg, gừng giống khoảng 21.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lời trên 20 triệu đồng/công. Theo ông, gừng được xuất khẩu mạnh nhất ở các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia, nhưng hình thức mua bán còn tự phát, chưa có một cơ quan, tổ chức nào quan tâm đúng mức đứng ra ký kết hợp đồng mua bán với nước ngoài để nông dân yên tâm sản xuất.

Khánh Hòa: Mô hình Nuôi Trùn Quế kết hợp Gà thả vườn và Trồng Gừng. Hiệu quả 3 trong 1

Mô hình kinh tế của ông Trần Chí Hùng đem lại hiệu quả cao.
Trùn quế (TQ) là nguồn thức ăn giàu đạm, thích hợp cho việc chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Trồng gừng (TG) kết hợp bón phân trùn đã góp phần tăng năng suất rõ rệt. Trong điều kiện đất đai chật hẹp, địa hình phức tạp, ông Trần Chí Hùng – nông dân ở Tổ dân phố Sơn Long (Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa) đã biết kết hợp tổng hòa các đối tượng để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Gia đình ông Trần Chí Hùng nằm trên đồi núi dốc tại Tổ dân phố Sơn Long. Trong điều kiện địa hình đồi núi, ông đã cố gắng tìm mô hình thích hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Nghĩ mãi, cuối cùng, ông cũng tìm ra hướng đi. Đó là mô hình nuôi Trùn Quế kết hợp với gà thả vườn (GTV) và Trồng Gừng trong bao”.
Điều kiện đầu tiên để ông Hùng quyết định nuôi Trùn Quế là gia đình đang nuôi một đàn dê. Từ nguồn phân dê, ông Hùng sử dụng để nuôi trùn. Chính vì vậy, ông không phải mất tiền mua thêm phân nuôi trùn. Đàn gà của ông Hùng có khoảng 100 con, toàn là giống gà ta, được nuôi xoay vòng liên tục. Gà đẻ trứng, cho ấp nở, rồi bổ sung vào tổng đàn khi gà thịt đã bán đi. Do đó, đàn gà của ông luôn được duy trì. Ông Hùng có 10 ô nuôi trùn, mỗi ô 1m2. Sau 60 ngày nuôi, trùn giống bắt đầu sinh sản và cho 3 – 4kg trùn sinh khối. Sau khi lượng trùn phát triển ổn định, ông tiến hành nuôi gà con và triển khai các công đoạn nuôi trùn, vỗ béo gà theo hướng dẫn. Trùn phát triển tạo sinh khối và cho ra một lượng phân ổn định, ông bắt đầu trộn phân trùn với đất cát theo tỷ lệ: 70% đất cát, 20% phân rác hữu cơ và 10% phân Trùn Quế để làm đất Trồng Gừng.
Theo ông Hùng, mô hình nuôi Trùn quế, kết hợp nuôi Gà thả vườn và Trồng Gừng lâu nay vẫn được nông dân áp dụng nhưng thường chỉ tiến hành riêng lẻ, do đó chưa phát huy hiệu quả tối đa. Nếu nuôi gà bình thường theo truyền thống thì thời gian từ thả nuôi cho đến xuất bán mất ít nhất 5 tháng; thế nhưng nuôi với thức ăn là Trùn quế, gà lớn nhanh (do lượng đạm dồi dào), giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi chỉ còn 4 tháng. Bên cạnh đó, nguồn phân trùn thải ra là loại phân bón rất tốt, dễ tiêu, làm tăng năng suất, sản lượng cho các loại cây trồng. Bình thường, năng suất gừng trồng trong bao xi măng đạt 1 – 1,5 kg/bao nhưng có bổ sung phân Trùn quế, năng suất có thể lên tới 2 – 2,5 kg/bao (sau 7 tháng).
Ông Hùng tính toán: Mô hình kết hợp nuôi Trùn quế, Gà thả vườn và Trồng Gừng trong bao đơn giản, dễ thực hiện, lại đem lại hiệu quả kinh tế khá. Mỗi lao động có thể nuôi 20 ô trùn (ô 1m2), sau 4 tháng thu mỗi ô 3kg (giá 100.000 đồng/kg trùn), tổng cộng có 60kg, tương đương 6 triệu đồng. Một con gà sử dụng phân trùn bổ sung đạm (2 tháng) cần 85g/con. Một lao động nuôi được 500 con gà, tức là sử dụng 42,5kg/2 tháng. Như vậy, sau khi cung cấp đủ thức ăn cho gà, người lao động còn có thu nhập thêm 17,5kg phân trùn trong 4 tháng, giá trị này tính ra gần 500.000 đồng/tháng. Khi bổ sung đạm bằng sinh khối Trùn quế, chi phí bình quân 500 đồng/ngày/con, tương đương 15.000 đồng/tháng/con. Một lao động nuôi 500 con gà, tiết kiệm được gần 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bón phân trùn cho gừng có thể tăng năng suất 1kg/bao. Một lao động trồng 500 bao gừng/7 tháng, tính ra thu nhập một tháng xấp xỉ 2 triệu đồng (giá gừng 25.000 đồng/kg). Như vậy, kết hợp cả 3 đối tượng theo cách này, mỗi lao động có thu nhập ít nhất 4 triệu đồng/tháng.
Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mô hình này còn mang lại lợi ích về môi trường. Hàng ngày, lượng phân thải ra từ chăn nuôi kết hợp rác thải sinh hoạt rất lớn. Nếu áp dụng rộng rãi mô hình này tại các địa phương, nhất là các vùng nông thôn thì nông dân có cơ hội giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; đồng thời còn tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Mặt khác, tận dụng nguồn phân, rác thải trong chăn nuôi, sinh hoạt sẽ giúp giảm thiểu tác hại cho môi trường.
Hiện nay, mô hình của ông Hùng đã được ứng dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với hiệu quả kinh tế và môi trường, đề tài của ông Hùng đã được Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Khánh Hòa lần thứ IV (2010 – 2011) trao giải khuyến khích. Đây là khích lệ lớn để nông dân tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều mô hình hiệu quả hơn.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Thái Nguyên: Trồng gừng trong bao với diện tích hẹp vẫn mang lại hiệu quả kinh tế

Gừng đem lại cho bà con dân tộc vùng cao thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Phương pháp trồng gừng trong bao có nhiều ưu điểm như: vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao; tiết kiệm được diện tích đất trồng; chủ động được lượng nước tưới, phân bón đồng thời khắc phục được nhược điểm chịu úng kém của gừng. Bà con còn có thể tận dụng diện tích đất trũng bằng cách lắp giàn hoặc chủ động di chuyển các bao gừng khi gặp úng.
Ông Nguyễn Văn Sinh – Xóm 2 Tân Sơn, xã Lương Sơn, thành phố Thái Nguyên là một trong những hộ tham gia thử nghiệm mô hình trồng gừng trong bao. Với diện tích vườn 0,5 ha, gia đình ông Sinh đã tiến hành trồng 200 bao gừng. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn về năng suất cũng như ưu điểm của gừng trồng trong bao, gia đình ông đã tiến hành trồng đối chứng hơn 100 gốc gừng theo phương pháp thông thường. Đến nay, sau 8 tháng, gừng đã vào củ,qua quá trình trồng và theo dõi sự phát triển của cây gừng trồng bằng 2 phương pháp khác nhau, nhận thấy: gừng trồng trong bao phát triển nhanh hơn, trọng lượng nhiều hơn. Nếu sử dụng phương pháp trồng gừng thông thường, ông Sinh chỉ có thể thu hoạch được khoảng 0,5kg/ gốc gừng nhưng với cách trồng gừng trong bao năng suất có thể đạt từ 2 – 2,2kg củ/ bao. Với giá gừng trên thị trường hiện nay là 15 – 20 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí gia đình ông có thể lãi khoảng 20 triệu đồng/ 100m2, gấp 6 lần so với cách trồng gừng thông thường.
Cũng như gia đình ông Nguyễn Văn Sinh, gia đình anh Nguyễn Đăng Lâm – Trú tại xóm Tân Sơn trồng thử nghiệm 150 bao gừng. Vì gia đình không có vườn rộng nên anh đã tận dụng những khoảng trống tại cổng vào, thềm giếng, diện tích đất dưới tán cây… để đặt các bao gừng. Điều này cho thấy, ngoài những ưu điểm về năng xuất, chất lượng, trồng gừng trong bao còn là phương pháp trồng tiết kiệm diện tích đất, thích hợp với những địa phương có diện tích đất canh tác nông nghiệp đang bị thu hẹp như thành phố Thái Nguyên.
Trước những ưu điểm và lợi ích mà mô hình trồng gừng trong bao mang lại, có thể thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cần nhân rộng cho bà con nông dân.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Trồng Gừng quá dễ, hiệu quả kinh tế cao

Anh Kiển chia sẻ kinh nghiệm trồng Gừng cho năng suất cao

Trồng 100kg gừng giống trên diện tích 300m2 đất năm 2010 anh Võ Văn Kiển ở ấp Hội An, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam đã thu lãi trên 60 triệu đồng. Phấn khởi với hiệu quả từ cây gừng mang lại năm nay anh Kiển tiếp tục chọn cây gừng để phát triển kinh tế.

Anh Kiển bắt đầu trồng gừng năm 2009 qua tham quan học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ nông dân khác ban đầu anh chọn mua 30kg gừng giống về trồng với giá 50.000 đồng/kg đến mùa thu hoạch sau khi trừ đi chi phí thu lãi trên 20 triệu đồng. Năm 2011 anh Kiển lại tiếp tục phát triển và nhân rộng diện tích trồng gừng lên 120kg gừng giống trên diện tích 350m2.

Theo anh Kiển: muốn cho gừng mọc mầm đều phải tiến hành ủ gừng trước khi xuống giống. Khi mua gừng giống về bà con nông dân không nên trồng ngay xuống đất mà phải xếp gừng thành đống rồi tiến hành ủ trong bóng râm bằng mụn dừa và rác mục, trong quá trình ủ cần đảm bảo đủ độ ẩm, khi gừng đâm mọng (mọc chồi) đến đầu mùa mưa là bắt đầu xuống giống.

Trồng gừng phải lên liếp cao để dễ thoát nước, tránh tình trạng gừng trồng trên liếp gặp nước lớn hay mưa dầm sẽ gây thối củ, chết cây và dễ phát sinh bệnh thối củ. Theo anh Kiển đất trồng gừng cần phải làm tơi xốp, ở khâu chuẩn bị đất thường lên liếp cao khoảng 20cm, để trồng 100kg gừng giống thường dùng khoảng 300kg phân bò + 700kg mụn dừa trộn đều trên liếp cao khoảng 50cm. Sau khi làm đất tiến hành xuống giống gừng. Khoảng cách và mật độ trồng gừng hàng cách hàng, cây cách cây 30x 40cm, tưới nước vừa  phải để duy trì đủ độ ẩm tránh tình trạng tưới nước quá nhiều rất dễ làm cho gừng bị thối củ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Cây gừng không kén đất, thời điểm xuống giống vào đầu mùa mưa khoảng từ tháng tư âm lịch. Việc chăm sóc gừng cũng tương đối đơn giản không phải tốn chi phí nhiều phù hợp đối với những nông dân đất ít. Gừng sinh trưởng trong mùa mưa nên rất ít khi tưới nước. Cách 2 tháng bón phân một lần gồm hỗn hợp 5kg phân NPK (16-16-8) và 5kg phân Kali để kích thích gừng tăng trưởng và phát triển củ. Gừng rất ít bệnh nhưng phải thường xuyên theo dõi đề phòng và điều trị kịp thời loài sâu đục thân, sâu ăn lá bằng các loại thuốc trừ sâu thông thường.

Với ưu điểm của giống gừng tàu là củ to, bóng láng, ít bị sâu bệnh phù hợp với vùng đất cát pha, gừng trồng sau 8 tháng là bắt đầu thu hoạch mỗi kg gừng giống cho ít nhất là 20kg gừng thương phẩm. Tính toán về hiệu quả của cây gừng anh Kiển cởi mở nói trong niềm vui phấn khởi: “nếu tính ra 120kg gừng sau 8 tháng thu hoạch trên 2 tấn gừng bình quân giá 40.000 đồng/kg như vậy trồng 350m2 gừng theo tính toán chưa đầy 1 năm nông dân sẽ có lãi trên 80 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí”.

Thấy cây gừng không khó trồng lại cho nguồn thu nhập cao, giá gừng luôn ổn định ở mức 35.000 – 40.000 đồng/kg, mùa nghịch có lúc lên đến 50.000 đồng/kg. Gừng thu hoạch vào dịp tết dùng làm mứt nên nông dân không phải lo về vấn đề đầu ra, do đó nhiều năm nay gia đình anh Kiển rất phấn khởi với lợi nhuận của cây gừng mang về.


Từ phong trào này, hiện ở ấp Hội An xã Đa Phước Hội có gần 30 hộ dân tham gia trồng gừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình Thuận: Phát triển mô hình trồng gừng trong bao xen canh điều, cây ăn trái


Hiện nay, nông dân xã Thắng Hải đang thử nghiệm mô hình đưa cây gừng vào trồng xen canh dưới tán cây ăn quả như nhãn, điều góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2012, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện phối hợp với hội nông dân xã Thắng Hải xây dựng mô hình trồng gừng dưới tán cây ăn quả. Gia đình anh Nguyễn Thanh Hồng ở thôn Thắng Hải tự nguyện xin tham gia thực hiện mô hình với số lượng 100kg gừng giống trồng xen dưới tán cây nhãn. Qua 1 năm trồng thí nghiệm, anh Hồng cho biết mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc gừng, năm nay anh Hồng trồng 1 ngàn bụi gừng. Hiện gừng đang phát triển tốt. Anh Hồng cho biết với đà phát triển này, sau 8 đến 10 tháng chăm sóc, 1 bụi gừng cho thu hoạch 1,5 kg. Với giá bán 25 ngàn đồng tại vườn, sau khi trừ chi phí, anh có thể thu lợi trên 30 triệu đồng.
Loại gừng anh Hồng đang trồng là loại gừng dé, củ nhỏ, vị cay, nhiều xơ, hiện nay được ưa chuộng trên thị trường với giá bán 40 ngàn đồng/kg. Gừng đến mùa thu hoạch anh Hồng không lo lắng cho đầu ra vì có thương lái đến tận vườn thu mua. Thật ra, trồng gừng khá đơn giản và ít công chăm sóc. Trong suốt thời gian gừng phát triển chỉ cần làm cỏ quanh gốc và không để củ gừng lộ ra khỏi mặt đất để đảm bảo phẩm chất. Sau 10 tháng, khi lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, bắt đầu khô héo thì tiến hành thu hoạch củ gừng.
Ông Trần Xuân An – chủ tịch hội Nông dân xã cho biết, đất trồng gừng chỉ cần chọn đất xốp, đủ ẩm thoát nước tốt nên rất phù hợp với thỗ nhưỡng địa phương. Bên cạnh đó, trồng gừng còn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nên địa phương sẽ nhân rộng mô hình.
Bước đầu, mô hình trồng gừng dưới tán cây ăn quả đã góp phần cải tạo đất trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích đất. Xã Thắng Hải có tổng diện tích trồng cây ăn tương đối lớn. Nếu địa phương áp dụng các biện pháp xen canh hiệu quả sẽ mang lại giá trị kinh tế tăng thêm rất lớn cho người nông dân.

Bạc Liêu: Lãi lớn từ cây Gừng

Năm 2014 là năm trúng đậm mùa gừng ở Bạc Liêu

Huyện Vĩnh Lợi là một trong những địa phương có diện tích trồng gừng lớn nhất tỉnh. Năm nay, bà con trồng gừng ở huyện vừa trúng mùa lại trúng giá. Giá gừng đang ở mức khá cao, từ 40.000 – 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng gừng lãi hơn 80 triệu đồng/công.
Gia đình ông Phan Văn Tư (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) trồng nửa công gừng trên đất xung quanh nhà. Mới đây, ông Tư thu hoạch 2 tấn gừng. Với giá 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Tư lãi gần 90 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng gừng, ông Tư cho rằng: “Khi chọn gừng làm giống phải chọn củ lớn, tốt. Cách bón phân, chăm sóc cũng không kém phần quan trọng. Nếu tưới nhiều hoặc mưa nhiều thì phải đào mương sâu để tránh thúi củ do ngập úng.
Nhiều hộ trồng gừng ở huyện Vĩnh Lợi như xã Long Thạnh, Vĩnh Hưng A, Châu Thới cũng trúng mùa trúng giá vụ gừng năm nay. Gia đình ông Trần Thanh Long (xã Long Thạnh) trồng 1 công gừng. Sau khi thu hoạch gần 5 tấn gừng và bán với giá 40.000 đồng/kg, ông Long lãi gần 200 triệu đồng. Ông Long cho biết: “Chỉ cần giá gừng 15.000 đồng/kg là nông dân lãi hơn 50 triệu đồng/công. Nhưng năm nay, do giá gừng rất cao (từ 40.000 – 80.000 đồng/kg) nên người trồng lãi gấp mấy lần so với trước đây. Riêng gia đình tôi năm nay lãi hơn 150 triệu đồng/công gừng”.
Thấy trồng gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân đổ xô mua gừng giống về trồng. Hiện giá gừng giống từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Nhiều hộ ở xã Long Thạnh, Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi); xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) đã áp dụng mô hình trồng gừng kết hợp với trồng rau màu, 1 vụ gừng – 1 vụ mía… Còn gia đình ông Huỳnh Văn Đức (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) thì ứng dụng phương pháp trồng gừng lấy củ trong bao. Đây là phương pháp trồng ít tốn diện tích đất, chi phí đầu tư thấp, năng suất lại cao. Theo ông Đức: “Sau khi thu hoạch vụ gừng trồng trong bao, mới đây, tôi tiếp tục trồng hơn 300 bao gừng. Trồng gừng trong bao cho củ lớn và năng suất cao”.
Thực tế, vụ gừng này bà con đều phấn khởi vì trúng mùa trúng giá. Song, nhu cầu thị trường và giá cả các mặt hàng nông sản thì không ai lường trước được. Vì thế, bà con không nên thấy nông sản nào có giá thì ồ ạt trồng, khi thu hoạch rộ giá lại rớt. Và như thế, điệp khúc “trúng mùa rớt giá” lại tái diễn.
 Nguồn: Báo Bạc Liêu

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Trở thành triệu phú từ trồng gừng trong bao

Anh Ninh Văn Thơ bên những bao gừng trồng

Từ hai bàn tay trắng, anh lao vào trồng gừng với ước vọng làm giàu. Biết chuyện, gia đình phản đối anh dữ dội. Nhưng bằng quyết tâm và sự tính toán của mình, anh đã thành triệu phú nhờ gừng. Anh là Ninh Đình Thơ, đang sinh sống tại khu phố An Bình, phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Suýt vỡ nợ vì gừng!
Ninh Đình Thơ còn rất trẻ, anh SN 1983. Năm 1990, gia đình Thơ vào Bình Phước lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Cả gia đình chỉ có 3 sào đất vườn trồng cây điều và cây cao su. Diện tích đất canh tác ít mà công việc làm thêm thì không có, vườn điều phải đến mùa mới cho thu hoạch, ngoài thời gian thu hoạch điều hầu như là rảnh rỗi không có việc gì làm để có thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình nhiều năm vẫn không khá lên được. Trăn trở nhiều lần, Thơ bàn tính với gia đình là sẽ trồng cây gừng vào xen canh với cây điều để tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đầu năm 2010 anh đã quyết định vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư vào trồng gừng trong bao. Mùa vụ đầu tiên anh trồng 1.600 bao gừng xen canh dưới gốc điều.
Chưa có kinh nghiệm, bước đầu đầu tư vào cây gừng anh gặp muôn vàn khó khăn. Thiếu vốn, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, nhiều khi khiến Thơ lúng túng. Gia đình anh thấy vậy, phản đối anh dữ dội. bạn bè cũng không ủng hộ anh vì cho rằng Thơ đang mạo hiểm khi đầu tư vào cây gừng. Nhiều lúc Thơ nản chí, định bỏ cuộc.
Thêm vào đó, do chưa nắm bắt quy trình kỹ thuật trồng gừng trong bao, gừng của Thơ bị úng, vàng lá, chết khá nhiều. Số vốn anh bỏ ra trồng gừng cứ hao mòn dần theo những cây gừng héo úa. Anh lâm vào cảnh nợ nần. Anh kể lại: “Mới đầu trồng gừng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cây gừng lúc mới trồng thì rất khỏe. Tuy nhiên sau 2 tháng thì bắt đầu mắc các bệnh vàng lá, úng rễ và bị sâu bệnh. Cái giống gừng này là vậy ưa nước nhưng không chịu úng, thiếu nước cũng không được, thừa nước cũng không xong. Phải mày mò mãi tôi mới biết là do mình đục lỗ thoát nước chưa đủ khiến nước ứ đọng gây úng nước và vàng lá cho cây”.
Gặp khó khăn như vậy nhưng với bản tính tự quyết, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn anh Thơ đã tự mình mày mò tìm hiểu về kỹ thuật trồng gừng trong bao xen canh dưới tán cây điều và cây cao su. Anh tìm sang tận Bù Đăng và Phước Long để học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật trồng gừng từ một số người đã thành công. Anh còn dành thời gian tập tành làm quen với mạng internet để tìm hiểu kỹ thuật trồng gừng trong bao của các giáo sư trường Đại học Nông nghiệp và những người đã thành công trong cả nước.
Triệu phú gừng
Sau khi nắm được kỹ thuật trồng gừng trong bao anh Ninh Đình Thơ đã quyết định cầm sổ đất vay ngân hàng 50 triệu đồng tiếp tục đầu tư vào trồng gừng.
Bước đầu anh trồng 1.600 bao gừng giống trên diện tích 3 sào đất của gia đình, chi phí bỏ ra khoảng 25 triệu đồng. Sau 8 tháng hì hục với cây gừng đến giờ cây gừng đã cho anh những kết quả khả quan. Gừng sống khỏe, phát triển tốt, thu hoạch cao. Trung bình mỗi bao gừng trồng cho khoảng 2 – 2,5kg gừng thành phẩm. Như vậy 1.600 bao gừng của anh sẽ cho thu nhập hơn 3 tấn rưỡi gừng thành phẩm. Với giá gừng trên thị trường hiện nay là 25.000 đồng – 35.000 đồng/kg thì số tiền anh thu được là 80 – 120 triệu đồng. Sau khi trừ toàn bộ chi phí và tiền công anh cũng lời được gần 60 triệu đồng.
Anh Thơ dẫn tôi ra xem nơi trồng gừng của gia đình anh. Vỏn vẹn chỉ hơn 3 sào đất nhưng gia đình anh đã trồng được hơn 5.000 bao gừng. Theo anh Thơ, việc trồng gừng bằng bao bì rất đơn giản. Người trồng chỉ cần dùng bao bì hoặc bao xi măng cũ cắt đôi, bẻ góc, phần nào bị bít thì đục vài lỗ cho thoát nước. Về đất trồng gừng thì nên dùng đất phù sa là tốt nhất, trộn thêm ít phân bò hoai và trấu hun cho xốp đất để gừng dễ ra củ.
Làm giàu từ gừng, nhưng Thơ không hề giấu nghề, hay sợ bị người khác cạnh tranh. Anh sẵn sàng truyền nghề, kinh nghiệm cho những ai muốn học. Thơ tiết lộ bí quyết chọn giống gừng đã giúp anh thành công. Theo anh, mua gừng giống về trồng nên chọn loại gừng cao sản, cho năng suất cao. Mỗi kg gừng giống có thể trồng 15 – 20 bao. Anh nói thêm: “Cây gừng chịu bóng râm nên có thể bố trí dưới tán cây trong vườn, miễn sao tiết kiệm được diện tích. Tùy theo thời tiết, có thể tưới nhiều hay ít để duy trì độ ẩm: khi trời nắng, tưới 1 – 2 lần/ngày, trời mưa thì không nên tưới. Củ gừng không nên trồng quá sâu, dễ bị thối gốc. Không nên đưa các bao gừng ra trước gió, vì trời gió có thể làm cây bị gãy, bong gốc, củ khó phát triển…”.
Theo phương pháp này, gừng trồng 7 – 8 tháng là cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt có thể rút ngắn thời gian. Một bao gừng trồng, trung bình thu được 2 – 2,5kg gừng thương phẩm, cao hơn trồng ngoài đất. Trồng trong bao, gừng lớn nhanh gấp hai lần so với cách trồng thông thường. Đặc biệt, cách trồng này còn có thể giúp người trồng chủ động “sơ tán” được cây gừng để tránh lũ hoặc cách ly khi phát hiện dịch bệnh. Vì vậy, cách này có thể trồng ở bất cứ đâu, nông thôn, đô thị hay vùng trũng…
Từ mùa vụ đầu thắng lợi anh thanh niên Ninh Đình Thơ quyết định mở rộng diện tích trồng gừng lên 5.000 bao. Với số lượng này dự kiến đến cuối năm anh Thơ sẽ thu hoạch gần 10 tấn gừng thành phẩm. Với giá dao động từ 23.000 – 25.000 đồng/kg như hiện nay thì anh Thơ sẽ có thu nhập là gần 300 triệu đồng. Cộng với thu nhập từ cây điều và cây cao su thì ước tính anh sẽ có thu nhập là gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Trồng gừng trong bao có thể xem là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu áp dụng được mô hình này rộng rãi sẽ mở ra hướng làm kinh tế mới, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho các hộ nông dân.

BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY GỪNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH HIỆU QUẢ NHẤT


Gừng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại cây thân thảo khác, trong quá trình trồng và chăm sóc, cây Gừng cũng có thể mắc phải một số bệnh đặc trưng mà bà con cần lưu ý để phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại. 
Gừng là cây thân thảo, sống lâu năm, cao 0,6 – 1m. Lá màu xanh đậm, dài 15 – 20 cm, rộng khoảng 2cm, bề mặt nhẵn bóng, gân ở lá hơi nhạt, lá mọc so le, thẳng đứng, có bẹ lá, không có cuống. Thân ngầm phình to, chứa các chất dinh dưỡng gọi là củ. Xung quanh củ có các rễ tơ. Rễ và củ chỉ phát triển tập trung ở lớp đất mặt, sâu từ 0 –15 cm. Cây gừng ít khi ra hoa, trục hoa mọc từ gốc, dài 15 – 20 cm. Hoa màu vàng xanh, dài 5cm, rộng 2 – 3 cm, có 3 cánh hoa dài khoảng 2cm, mép cánh hoa và nhị hoa màu tím.
Cây gừng có vị cay nồng ấm, có rất nhiều công dụng chữa bệnh chính vì thế trong những năm gần đây nhu cầu sử dụng gừng ngày càng nhiều nên gừng có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên cây gừng thường bị một số bệnh gây hại đáng kể làm ảnh hưởng đến năng suất.
Để việc trồng gừng đạt hiệu quả về năng suất thì bà con nông dân cần phải biết rõ một số thông tin về bệnh trên gừng để có hướng chủ động và đưa ra biện pháp phòng trị kịp thời.
          
         1. Bệnh cháy lá
Tác nhân gây bệnh là nấm Pyricularia grisea thường gây hại nặng trong những ngày có ẩm độ cao, ít nắng có nhiều sương mù và kéo dài.
Triệu chứng gây hại: Vết bệnh là những vết có hình thoi màu trắng xám, nhiều vết bệnh có thể liên kết lại làm cháy cả lá. Bệnh nặng làm các lá bị cháy cây còi cọc phát triển kém giảm năng suất, đôi khi bệnh làm cháy rụi cả bụi gừng.
Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, gom những cây bị bệnh đem chôn.
– Chọn giống sạch bệnh.
– Trồng với mật độ vừa phải, không nên trồng qúa dày, bón thêm tro trấu hoặc phân kali cho ruộng gừng khi bị bệnh.
– Thăm ruộng thường xuyên. Nếu phát hiện trên lá có đốm bệnh, nên ngắt bỏ để hạn chế lây lan.
Phun một trong các loại thuốc sau Fuji-one 40 EC, Rovral 50 WP, Kasuracide (kasai) 21,2 WP, Racide 30 WP, với liều lượng 10-25 cc(g)/10 lít, phun 7-10 ngày/lần.

       2. Bệnh thối củ gừng
Bệnh thối củ gừng có 2 dạng mà thông thường bà con rất khó xác định được nguyên nhân dẫn đến việc phòng trị không đúng và không kịp thời làm ảnh hưởng đến năng suấtThối khô củ gừng và thối mềm nhũn ướt. Bệnh thối khô do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Thối nhũn ướt, đó là do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra.

              a) Thối củ do nấm
Triệu chứng: Vết bệnh đầu tiên là những đốm màu nâu xám, rộng khoảng 3-5mm, có những lá bị úa vàng và rủ xuống. Nấm bệnh tấn công vào phần gốc cây gần mặt đất. Bệnh nặng, vết bệnh lan rộng ra, không có hình dạng nhất định, xung quanh có viền nâu đen. Phần lớn vết bệnh có xu hướng lan xuống phía gốc, làm thối một phần củ. Vết bệnh thối khô và xốp. Bệnh nặng có thể làm chết cả cây và toàn bộ củ bị thối.
Bệnh sinh sản bằng hạch nấm. Hạch nấm tồn tại trong đất rất lâu, có thể tới 2-3 năm. Hạch nấm trong đất, nảy mầm thành sợi nấm, xâm nhập vào gốc và củ gừng. Điều kiện thời tiết nóng và ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, có khi làm thối cả khóm gừng.
           
             b) Thối củ do vi khuấn:
Vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ màu nâu xám hơi mọng nước. Sau đó vết bệnh lớn dần và ăn sâu vào bên trong làm củ bị thối. Thối củ do vi khuẩn khác với bệnh thối khô do nấm là củ bị mềm nhũn, cắt ngang chổ thối thấy có dịch nhờn hoặc khi ấn tay vào có xì mủ hoặc nước, có mùi hôi rất khó chịu. Cây bị bệnh lá úa vàng và đổ gục. Bệnh còn gây hại trong thời gian bảo quản. Vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập vào củ qua vết thương.
Biện pháp phòng trị
Theo kinh nghiệm nông dân ở một số địa phương, để hạn chế mầm bệnh tấn công củ và dễ dàng cách ly cây bị bệnh để tránh lây lan, bà con nông dân thường trồng gừng trong sọt hoặc trong bao. Nguyên liệu:
  • Đất được phơi khô.
  • Trộn với phân hữu cơ và nấm Trichoderma sp.
  • Liều lượng 5 gr chế phẩm Tri cô/ 4 bao đặt trong 1m2. Không những hạn chế được bệnh thối củ mà năng suất gừng cũng đạt khá cao trung bình khoảng 15 kg/4 bao/m2.
– Vệ sinh đồng ruộng. Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch;
– Khi phát hiện trên luống gừng có triệu chứng thối củ thì nên tách củ bị thối loại bỏ để hạn chế lây lan;
– Đầu vụ, bón phân vôi cho đất. Lên luống cao, thoát nước tốt. Không trồng mật độ dày quá, tránh bón nhiều phân đạm. Ngay từ đầu vụ khi làm đất nên sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục. Chú ý không để đất bị ngập nước;
– Khi xác định là bệnh thối khô thì phun thuốc Anvil 5SC, Vivadamy 3DD, Bonanza 100SL. Nếu bệnh thối nhũn do vi khuẩn thì phải sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn như: New Kasuran 16.6 BTN, Starner 20WP, Xanthomix 20 WP.
Chú ý: Bảo đảm thời gian cách ly.

           3. Bệnh thán thư trên gừng
Tác nhân: do nấm Colletotrichum sp gây hại
Triệu chứng: Vết bệnh có màu vàng lan từ mép lá vào trong làm khô lõm lá
Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa và có nhiệt độcao , mùa nắng bệnh ít gây hại hơn .
Biện pháp phòng trừ:
– Thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan.
– Bón phân cân đối , nhất là tránh bón thừa đạm.
– Khi trời ẩm ướt, sương mù nhiều nên phun thuốc hóa học ngừa hoặc phun khi bệnh mới chớm. Một số thuốc hiệu quả với bệnh thán thư : Antracol 70WP, Amistar 250SC, Manage 15WP, Mataxyl 500WP,….
                4. Bệnh mốc sương
Tác nhân: do nấm Phytophthora infestens gây hại
Triệu chứng:
Bệnh thường gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ thấp và ẩm độ cao.
Vết bệnh xuất hiện ở chóp lá màu vàng như úng nước, mặt dưới lá sũng nước màu vàng tươi
Biện pháp phòng trừ: Phun Ridomil Gold, Copper Zinc theo khuyến cáo